Sau khi dầm mưa làm gì để khỏi bị cảm lạnh
Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Chúng ta rất hay bị cảm lạnh sau khi phải dầm mưa lâu vì một lý do nào đó, vậy làm sao để phòng tránh điều gần như chắc chắn này?
Trong các chứng bệnh thường gặp trong cuộc sống thì bị cảm là khó hết nhất, cảm lạnh lại dễ mắc nhất, đặc biệt đang trong mùa mưa bão trở trời thế này. Dầm mưa là điều khó tránh mà cảm lạnh lại càng khó thoát khi ấy, vậy ta sẽ có những cách nào để tránh bị bệnh sau một lần dầm mưa bất khả kháng?
Rất may vẫn có vài mẹo để tránh bị bệnh như vậy, chi tiết mọi người hãy đọc "Mẹo phòng cảm lạnh sau khi dầm mưa" đăng trên VnExpress như sau:
Nếu không may mắc mưa, bạn nên uống trà gừng giữ ấm, nước cam tăng đề kháng, tránh tắm ngay gây sốc nhiệt...
Nước mưa thường mang theo nhiều chất độc hại, đặc biệt là sau những trận nắng gắt. Những người cơ địa nhạy cảm hoặc đề kháng yếu dễ mắc bệnh hô hấp, cảm lạnh. Để bảo vệ cơ thể khi đi mưa về, bạn nên lưu ý giữ ấm và tăng miễn dịch cho cơ thể.
Theo bác sĩ Trịnh Ngọc Bình (Bệnh viện Chợ Rẫy), giữ ấm cơ thể là lưu ý quan trọng nhất khi ướt, dính, ngấm nước mưa. Nhiều người có thói quen đi mưa về liền tắm nước nóng ngay. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột sẽ làm cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
Về đến nhà, bạn cần lau khô người, nghỉ ngơi, giữ thân nhiệt ổn định, khi thấy người hết lạnh mới nên đi tắm. Ngoài ra, có thể uống trà gừng để tăng thân nhiệt; ăn hoa quả giàu vitamin C như cam, chanh… để tăng đề kháng.
Cảm lạnh không thể điều trị bằng kháng sinh, chỉ cần uống thuốc giảm triệu chứng và tăng sức đề kháng. Ảnh: Livestrong
Đau họng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn cảm lạnh. Triệu chứng có thể biến mất sau 1-2 ngày, rồi đến chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho vào ngày thứ 4-5 của bệnh. Người lớn thường không sốt, nhưng trẻ nhỏ có thể bị sốt nhẹ. Trong vài ngày đầu, có thể thấy chảy nước mũi trong nhiều, sau đó đặc lại.
Cảm lạnh do virus gây nên, nên không thể điều trị bằng kháng sinh, mà chủ yếu làm giảm triệu chứng khó chịu. Trong thời gian cảm lạnh, có thể giảm đau, hạ sốt bằng thuốc có thành phần paracetamol. Người lớn chỉ nên dùng tối đa 4 viên chứa paracetamol 500mg. Trẻ em dùng mỗi lần 10-15mg paracetamol trên một kg cân nặng, ngày tối đa 4 lần.
Trong 3 ngày đầu, bạn có thể lây bệnh cho người khác, vì thế nên ở nhà và nghỉ ngơi, vứt bỏ khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng, rửa tay, súc họng thường xuyên, uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho đến khi khỏe lại.
Bệnh thường kéo khoảng một tuần. Nên đến bệnh viện thăm khám ngay nếu thấy đau ngực, đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, liên tục nôn ở người lớn; khó thở hoặc thở nhanh, da chuyển màu hơi tái, quấy khóc ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ Bình khuyến cáo, nhiều người chủ quan nghĩ mình cảm lạnh, tự ý ra tiệm thuốc Tây mua. Song nếu mắc sốt xuất huyết hoặc viêm phổi, không chẩn đoán kịp thời mà uống bừa bãi thuốc và kháng sinh, bệnh có thể nặng hơn.
Khi cảm lạnh, tùy sức khỏe mà cân nhắc tập thể dục. Nếu chỉ đau họng, chảy nước mũi hoặc đau đầu nhẹ, tập thể dục vừa phải sẽ góp phần tăng cường hệ miễn dịch. Nếu toàn thân không khỏe, tắc nghẽn ngực, nhức mỏi cơ bắp, sốt... thì nên nghỉ ngơi. Tập luyện cường độ mạnh lúc này khiến bệnh kéo dài và nguy hiểm.
Để phòng ngừa cảm lạnh hiệu quả, nên tăng cường sức đề kháng qua thực phẩm như rau quả, trái cây giàu vitamin C, uống nhiều nước, hạn chế đi ngoài mưa, giữ ấm cho cơ thể.
Cũng cần phải lưu ý mọi người rằng cảm lạnh nói riêng hay cảm các loại nói chung rất dễ mắc mà thời gian để hết bệnh cũng khá lâu nếu chọn theo cách đúng đắn kể trên. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc kháng sinh để điều trị trừ những trường hợp bất khả kháng, còn lại chỉ nên bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất để cơ thể tự lành.
Thanh Thái
Bài liên quan