Chuyện doanh nghiệp hoãn trả tiền cổ tức vẫn xảy ra

16:40 |

Bao năm nay cho tới tận bây giờ, câu chuyện doanh nghiệp hoãn trả tiền cổ tức vẫn xảy ra như chuyện đúng rồi tại Việt Nam.

Không chỉ là những doanh nghiệp tầm trung, đến các tập đoàn lớn cũng hay trì hoãn việc trả tiền cổ tức cho các cổ đông hoặc chuyển sang hình thức thay vì trả tiền thì trả bằng cổ phiếu, nói theo một cách nào đó việc này giống như chiếm dụng vốn vậy. Ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì vài trăm cho tới hàng tỷ đồng mua cổ phiếu đầu tư, nhưng chuyện nhận được tiền lợi tức là rất hiếm gặp cho dù vào thời điểm doanh nghiệp đang ăn nên làm ra đi chăng nữa.

Một buổi họp đại hội cổ đông của một doanh nghiệp.

Tình trạng này đang dần nổi lên như một nguy cơ tổn thất tài chính nguy hiểm mà blog tin tức Trì Thời cũng vừa thấy trên VnExpress có bài đăng với tiêu đề "Doanh nghiệp xin khất hàng trăm tỷ đồng cổ tức" về tình hình này vào sáng nay với nội dung như sau:

Kinh doanh sa sút, thua lỗ, nhiều doanh nghiệp không thu xếp được tiền trả cổ tức cho cổ đông, phải xin hoãn nhiều lần.

Trước đó, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn thống nhất (Mã CK: SMA) xin khất số cổ tức còn lại của năm 2011 (khoảng 12%) tới 8 lần. Theo ông Nguyễn Đình Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết công ty gặp khó khăn trong kinh doanh điện và kho bãi, tín dụng bị thắt chặt, công ty phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, dẫn tới thiếu hụt dòng tiền.

Đặt mục tiêu đến cuối năm 2014 sẽ trả hết cổ tức các năm 2011, 2012 và 2013, cũng như nỗ lực tái cấu trúc tài chính nhằm có nguồn chi trả, song SMA sẽ phải nỗ lực nhiều để cải thiện tình hình kinh doanh. Với hơn 16 triệu cổ phiếu đang niêm yết, dự kiến SMA sẽ phải mất trên 19 tỷ đồng để thanh toán toàn bộ tiền cổ tức cho cổ đông (theo tỷ lệ 12%). Trên bảng cân đối kế toán, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty tại 31/3/2014 đạt 14,6 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phẩn phối chỉ khoảng 8 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sông Đà 9.06 (Mã CK: S96) cũng phải hoãn trả cổ tức năm 2010 đến cuối năm 2014 do không thu xếp đủ tiền thanh toán. Đây là lần thứ 6 công ty phải gia hạn thanh toán hơn 22 tỷ đồng tiền cổ tức (tỷ lệ 20%) trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, tương lai của các cổ đông S96 không sáng sủa là bao khi ngày 30/5 vừa qua, cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong khi lợi nhuận chưa phân phối của công ty cuối tháng 3/2014 âm tới hơn 50 tỷ đồng, tiền mặt cũng chỉ còn hơn 140 triệu đồng.

Công ty cổ phần Sông Đà 7 (Mã CK: SD7) lâm vào cảnh tương tự phải xin dời ngày trả cổ tức năm 2010 đến tận năm 2015, tổng mức chi trả 16% do việc thu hồi vốn, công nợ và việc thoái vốn các dự án đầu tư của công ty không đạt được kế hoạch đã đề ra. Theo tính toán, với 9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty phải cân đối được gần 15 tỷ đồng.

Ngay cả ngân hàng vốn gần 4.800 tỷ đồng như An Bình (ABBank) cũng phải thông báo hoãn trả cổ tức năm 2013 và chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, dù mức chi trả chỉ là 2,46% (tương đương 246 đồng trên mỗi cổ phiếu), khá khiêm tốn so với nhiều ngân hàng khác. Trước đó, nhiều cổ đông của ABBank cũng tỏ ra buồn bã khi cổ tức năm nay quá thấp.

"Nếu cổ tức năm nay chỉ bằng một phần ba của năm ngoái và năm sau lại bằng một phần ba của năm nay thì chúng tôi sẽ rất khó khăn", một cổ đông lớn tuổi cho biết. Ttrước những phàn nàn này, lãnh đạo của ngân hàng cũng chỉ biết phân trần là tình hình kinh doanh khó khăn nên không thể chia cổ tức cao, dù rất muốn.

Ước tính để thanh toán cổ tức cho cổ đông, ABBank sẽ phải chi gần 120 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2013 còn gần 195 tỷ đồng, giảm một nửa so với đầu năm. Năm 2013, phần lãi của ngân hàng cũng chỉ khoảng gần 160 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

"Quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ đang bị xâm phạm do nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền cổ tức, thậm chí có thể nợ hàng năm", bà Phương Hoàng Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) bình luận.

Theo chuyên viên môi giới công ty chứng khoán TP HCM (HSC), việc doanh nghiệp chậm trễ trong chi trả cổ tức sẽ dẫn đến cổ đông bị thiệt thòi lớn, vì ít nhất số tiền này có thể mang gửi tiết kiệm để kiếm lời. Không kể từ năm 2010 đến nay, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm nên dù nhận được bây giờ thì cũng không bằng trước đây, đó là còn chưa kể cổ đông có thể đem đầu tư vào các kênh khác. Trong khi đó, với trường hợp cổ phiếu cổ phiếu bị hủy niểm yết, cổ đông còn có thể bị mất "cả chì lẫn chài" khi cổ phiếu thì mất giá, trong khi cổ tức cũng không còn.

Hiện nhiều cổ đông nếu trông chờ vào cổ tức thường tìm đến những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, lý lịch trong sạch và mức cổ tức tương đối, cao hơn lãi suất huy động của ngân hàng. Chị Mai Anh, một công chức Nhà nước nắm cổ phần của công ty xây dựng phía Bắc sau thời gian "ngậm đắng" do không được chia một đồng cổ tức nào trong 3 năm qua vì công ty kinh doanh thua lỗ cũng chia sẻ giờ chỉ tập trung vào những mã có lịch sử trả cổ tức cao, tình hình kinh doanh ổn định, như vậy mới mong kiếm lời vì chị không có thời gian để theo sát thị trường, mua đi bán lại liên tục.

Để chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp chây ỳ trả cổ tức cho cổ đông đến hàng năm trời, nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) khuyến nghị chính sách cổ tức và các thông tin mới nhất của doanh nghiệp liên quan đến việc chi trả cổ tức trong ba năm trước đó phải liên tục được đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp tại mọi thời điểm để công khai cho các nhà đầu tư, cả cũ và mới để có biện pháp theo dõi hoặc phòng tránh rủi ro.

Đồng thời, do quy định hiện nay cũng chưa áp chế tài xử phạt các công ty chậm thực hiện nghĩa vụ với cổ đông, khiến nhiều đơn vị lợi dụng để "khất lần" nên nhóm công tác cũng đề xuất áp dụng các biện pháp xử phạt đối với thành viên hội đồng quản trị nếu nợ cổ tức. Ý kiến này cũng được bà Lan Hương - lãnh đạo VSD đồng tình khi cho rằng cần đề cập đến chế tài cho các doanh nghiệp khất cổ tức trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi để bảo vệ cổ đông.

Như nội dung vừa đưa ở trên, có thể khẳng định một điều là dù làm ăn phát lên hay đang đi xuống với nhiều khó khăn đi chăng nữa thì các doanh nghiệp lớn nhỏ đều có cớ hoặc chiêu trò để thoái thắc việc trả tiền cổ tức cho các cổ đông nhằm giữ lại số tiền mà doanh nghiệp đang nắm giữ một cách sai phạm thay vì có phương thức đường đường chính chính ngay thẳng để thuyết phục cổ đông tiếp tục hoặc tăng đầu tư sau khi đã trả lợi tức cổ phiếu đúng theo quy định.

Cổ Đồng